Đường chuyển đổi (Tenkan-Sen) là 1 trong 5 đường cấu tạo nên hệ thống giao dịch Ichimoku, được sử dụng như mức hỗ trợ, kháng cự động, giúp trader xác định được xu hướng giá và tìm được vị thế đẹp để vào lệnh. Vậy đường Tenkan-Sen là gì, chúng có ý nghĩa như thế nào trong giao dịch? Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu tổng quan và chi tiết nhất về đường Tenkan-Sen. Cùng theo dõi nhé!
Đường chuyển đổi (Tenkan-Sen) là gì?

Đường chuyển đổi (Tenkan-Sen) hay còn gọi là đường tín hiệu là đường trung bình của mức giá cao nhất và thấp nhất trong 9 chu kỳ (đường màu xanh như hình). Đường Tenkan-Sen di chuyển song hành, theo sát mức giá hiện tại trên thị trường, do đó nhà đầu tư có thể nhận thấy được hướng giá trong ngắn hạn của một tài sản cụ thể thông qua độ dốc của nó.
Cụ thể:
- Nếu đồ thị giá nằm trên đường Tenkan-Sen, thể hiện xu hướng tăng.
- Nếu đồ thị giá nằm dưới đường Tenkan-Sen, thể hiện xu hướng giảm.
Công thức tính đường Tenkan-Sen
Đường Tenkan-Sen được tính bằng cách lấy trung bình cộng của mức giá cao nhất và mức giá thấp nhất trong 9 phiên giao dịch.
Tenkan-Sen = (High + Low)/2, chu kỳ 9 |
Trong đó:
- High là mức giá cao nhất trong 9 chu kỳ
- Low là mức giá thấp nhất trong 9 chu kỳ
Xem thêm: Đường cơ sở (Kijun-Sen) là gì?
Ý nghĩa đường Tenkan-Sen
Tenkan-Sen phản ánh chuyển động giá trung bình của tài sản trong thời gian ngắn hạn 9 chu kỳ. Chính vì thế nên Tenkan-Sen phản ứng sớm hơn và tiếp xúc gần với đường giá hơn so với Kijun-Sen. Đồng thời, Tenkan-Sen không nên sử dụng riêng lẻ mà phải kết hợp với các chỉ báo khác trong hệ thống giao dịch Ichimoku.
Ví dụ:
Tenkan-Sen kết hợp Kijun-Sen
- Nếu Tenkan-Sen nằm trên Kijun-Sen: cho tín hiệu mua, vì thị trường đang trong xu hướng tăng.

- Nếu Tenkan-Sen nằm dưới Kijun-Sen: cho tín hiệu bán, vì thị trường đang trong xu hướng giảm.

Ngoài ra, để tăng mức độ chính xác, trader nên sử dụng chiến lược Tenkan-Sen kết hợp Kijun-Sen và Mây Kumo
- Nếu giá nằm trên Mây Kumo và Tenkan-Sen nằm trên Kijun-Sen: thị trường đang trong xu hướng tăng, trader nên Buy.

- Nếu giá nằm dưới Mây Kumo và Tenkan-Sen nằm dưới Kijun-Sen: thị trường đang trong xu hướng giảm, trader nên Sell.

- Nếu giá nằm trong Mây Kumo: thị trường không ổn định và có khả năng đảo chiều, trader nên đứng ngoài thị trường chờ đợi tín hiệu rõ ràng để tìm thời điểm vào lệnh hợp lý.

Mặt khác, Tenkan-Sen cũng là một thông số hình thành nên đường Senkou Span A – một trong hai đường tạo nên Mây Kumo. Mà các cạnh của Mây Kumo đóng vai trò như ngưỡng kháng cự, hỗ trợ, còn độ dày của Mây Kumo thể hiện các chuyển động giá.
Chính vì thế, Tenkan-Sen là một trong những yếu tố quan trọng giúp xác định xu hướng và được xem như ngưỡng kháng cự, hỗ trợ động.
So sánh đường chuyển đổi (Tenkan-Sen) với đường trung bình động giản đơn (SMA)
Có rất nhiều trader bị nhầm lẫn giữa đường Tenkan-Sen và đường SMA, tuy nhiên đây là 2 đường hoàn toàn khác nhau, điều này có thể thấy rõ qua công thức tính như sau:
- Đường chuyển đổi (Tenkan-Sen): được tính bằng trung bình cộng của giá cao nhất và thấp nhất trong 9 chu kỳ.
- Đường trung bình động giản đơn (SMA): tính bằng trung bình giá đóng cửa của 9 chu kỳ.

Qua công thức, chúng ta thấy rằng SMA chỉ được tính bằng 1 yếu tố là giá đóng cửa nên đường SMA sẽ mượt hơn so với đường Tenkan-Sen tính bằng trung bình của giá cao nhất và thấp nhất trong một chu kỳ nhất định. Một lưu ý đó là đường Tenkan-Sen càng gập ghềnh cho thấy xu hướng càng mạnh và đường càng phẳng hoặc đi ngang thì càng cho thấy giá ít biến động.
Hạn chế của đường Tenkan-Sen
- Đường Tenkan-Sen bám sát với mức giá hiện tại trên thị trường, vì thế khi sử dụng đường Tenkan-Sen riêng lẻ sẽ không thể cung cấp nhiều thông tin cho nhà đầu tư, đặc biệt là những người giao dịch dài hạn. Do đó, trader cần phải kết hợp đường Tenkan-Sen với các đường khác trong chỉ báo Ichimoku để đưa ra tín hiệu giao dịch chính xác hơn.
- Các tín hiệu giao dịch khi kết hợp giữa đường Tenkan-Sen và Kijun-Sen có thể sẽ mang lại lợi nhuận cao, nhưng trong nhiều trường hợp chiến lược này cũng có thể đưa ra các tín hiệu sai lệch, mặc dù sự giao nhau diễn ra nhưng giá lại không đi đúng dự đoán, dẫn đến giao dịch thất bại và thua lỗ.
- Tenkan-Sen thể hiện mức giá trung bình trong 9 chu kỳ gần nhất, chúng ta không thể dự đoán bất kỳ điều gì trong phép tính trung bình đó. Vì thế, trader nên kết hợp đường Tenkan-Sen với các hình thức phân tích khác, chẳng hạn như hành động giá, các chỉ báo kỹ thuật,… vào chiến lược giao dịch của mình, thay vì chỉ dựa vào chỉ báo Ichimoku và các yếu tố của nó.
Lời kết
Trên đây là tổng hợp các thông tin cơ bản về đường Tenkan-Sen từ Ichimoku.com.vn. Hy vọng bài viết sẽ mang lại cho bạn thêm nhiều kiến thức cần thiết. Chúc các bạn giao dịch hiệu quả và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo của chúng tôi nhé!