Khi giao dịch với Ichimoku, các trader chuyên nghiệp thường kết hợp với một số chỉ báo kỹ thuật khác để nhận định thị trường một cách chính xác, nhằm mang lại hiệu quả tối ưu hơn. Nhưng hiện nay có hàng trăm chỉ báo cung cấp nhiều thông tin khác nhau, vậy nên sử dụng chỉ báo nào với Ichimoku? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của Ichimoku.com.vn để vận dụng hiệu quả vào chiến lược giao dịch của mình nhé!
Giới thiệu về Ichimoku
Ichimoku là chỉ báo kỹ thuật được nghiên cứu và đưa vào sử dụng vào năm 1969 bởi một nhà báo người Nhật – ông Goichi Hosoda. Sau nhiều thập kỷ, đến nay Ichimoku vẫn được đánh giá là chỉ báo mang lại hiệu quả cao, tích hợp “năm trong một” cung cấp các thông tin về xu hướng thị trường, ngưỡng hỗ trợ/kháng cự, động lượng cùng lúc. Cụ thể:
Hệ thống giao dịch Ichimoku được cấu tạo từ 5 thành phần:

- Tenkan-Sen (đường màu xanh)
- Kijun-Sen (đường màu cam)
- Chikou-Span (đường màu đen)
- Senkou-Span A (đường màu xanh lục) và Senkou-Span B (đường màu đỏ)
- Mây Kumo (vùng màu xanh lục hoặc màu đỏ)
Trong đó, mỗi thành phần sẽ có mỗi ý nghĩa khác nhau nhưng lại có mối quan hệ mật thiết, giúp trader dễ dàng hơn trong phân tích kỹ thuật. Cụ thể:
- Tenkan-Sen (đường chuyển đổi): được tính bằng trung bình cộng của giá cao nhất và giá thấp nhất trong 9 chu kỳ trước đó.
- Kijun-Sen (đường cơ sở): được tính bằng trung bình cộng của giá cao nhất và giá thấp nhất trong 26 chu kỳ trước đó.
- Chikou-Span (đường trễ): là giá đóng cửa của phiên hiện tại nhưng được hình thành lùi về sau 26 chu kỳ.
- Senkou-Span A (Leading-Span A): được tính bằng trung bình cộng của Tenkan-Sen và Kijun-Sen, được hình thành tiến về trước 26 chu kỳ.
- Senkou-Span B (Leading-Span B): được tính bằng trung bình cộng của giá cao nhất và giá thấp nhất trong 52 chu kỳ trước đó nhưng được hình thành tiến về trước 26 chu kỳ.
- Mây Kumo: được hình thành bởi Senkou-Span A và Senkou-Span B. Nếu Senkou-Span A nằm trên Senkou-Span B thì mây Kumo mang màu sắc của Senkou-Span A, ngược lại nếu Senkou-Span B nằm trên Senkou-Span A thì mây Kumo mang màu sắc của Senkou-Span B.
Xem thêm: Ichimoku là gì? Lịch sử hình thành và các thành phần của mây Ichi
Nên kết hợp chỉ báo nào với Ichimoku?
Ichimoku là hệ thống giao dịch độc lập, tức là chỉ cần sử dụng kết hợp 5 thành phần của nó là trader đã có thể giao dịch một cách hiệu quả . Tuy nhiên, để tìm kiếm tín hiệu chuẩn xác hơn, trader thường kết hợp giao dịch Ichimoku với một số chỉ báo khác như RSI, MACD, MA,… Cụ thể:
Ichimoku kết hợp với RSI
RSI (Relative Strength Index) hay chỉ số sức mạnh tương đối là một chỉ báo động lượng được sử dụng trong phân tích kỹ thuật nhằm đo lường mức độ thay đổi của giá trong khoảng thời gian gần nhất. Chỉ báo này được thể hiện dưới dạng đồ thị di chuyển giữa 2 điểm cực trị và đọc giá trị từ 0 – 100.
Khi kết hợp Ichimoku với RSI, trader cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Tìm kiếm tín hiệu phân kỳ, hội tụ RSI
Phân kỳ, hội tụ là hiện tượng giá dao động theo hướng ngược lại với hướng của chỉ báo RSI. Đây là tín hiệu cho thấy giá hiện tại đang có xu hướng yếu dần, cảnh báo sự đảo chiều có thể xảy ra trong tương lai.
Trong đó:
- Hội tụ: là hiện tượng giá liên tục giảm tạo ra đáy sau thấp hơn đáy trước, nhưng RSI lại tạo ra đáy sau cao hơn đáy trước.
- Phân kỳ: là hiện tượng giá liên tục tăng tạo ra đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, nhưng RSI lại tạo ra đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.
Ví dụ:
- AUDUSD khung D1, khi giá đang trong xu hướng tăng và tạo ra đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, nhưng RSI lại tạo ra đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Như vậy, đây là tín hiệu phân kỳ.

- AUDUSD khung D1, giá đang trong xu hướng giảm và tạo ra đáy sau thấp hơn đáy trước, nhưng RSI lại tạo ra đáy sau cao hơn đáy trước. Như vậy, đây là tín hiệu hội tụ.

Bước 2: Xác định điểm vào lệnh, chốt lời, cắt lỗ
Sau khi xác định được tín hiệu phân kỳ, hội tụ RSI, trader mở hệ thống Ichimoku lên để có thể xác định tín hiệu mua hoặc bán:
Khi RSI cho tín hiệu phân kỳ, đồng thời Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống, trader thiết lập lệnh Sell như sau:

- Điểm vào lệnh: canh Sell tại giá đóng cửa của nến được hình thành ở điểm cắt của Tenkan-Sen và Kijun-Sen.
- Điểm cắt lỗ (stop loss): đặt trên ngưỡng kháng cự gần nhất cách một vài pips (tùy theo spread từng sàn).
- Điểm chốt lời (take profit): đặt tại ngưỡng hỗ trợ.
Khi RSI cho tín hiệu hội tụ, đồng thời Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên, trader thiết lập lệnh Buy:

- Điểm vào lệnh: canh Buy tại giá đóng cửa của cây nến được hình thành ở điểm cắt của Tenkan-Sen và Kijun-Sen.
- Điểm cắt lỗ: đặt dưới ngưỡng hỗ trợ gần nhất cách một vài pips (tùy theo spread từng sàn).
- Điểm chốt lời: đặt tại ngưỡng kháng cự.
Ichimoku kết hợp với MACD
MACD (Moving Average Convergence/ Divergence – đường trung bình động hội tụ, phân kỳ) là một chỉ báo động lượng theo xu hướng cho thấy mối liên hệ giữa hai đường trung bình động của giá.
So với RSI và MA, MACD có cấu tạo phức tạp hơn với 4 thành phần bao gồm:
- Đường MACD (đường màu xanh) hay còn gọi là đường nhanh
- Đường tín hiệu (signal line – đường màu cam) hay đường chậm
- Khu vực Histogram (hình biểu đồ thanh)
- Đường Zero dùng để tham chiếu giá, cho thấy sự khác biệt giữa đường MACD với đường tín hiệu
Chiến lược kết hợp MACD và Ichimoku giúp trader đánh giá động lượng của giá, xác định xu hướng hiện tại của thị trường, từ đó tìm được vị thế đẹp để vào lệnh và mang lại lợi nhuận cao.
Điều kiện giao dịch với tín hiệu mua
Ichimoku kết hợp MACD cho tín hiệu mua khi thỏa mãn các điều kiện sau:
- Giá phải nằm trên mây Kumo
- Đường MACD, Histogram nằm phía trên đường Zero
- Giá retest lần đầu đập vào đường Tenkan-Sen hoặc Kijun Sen

Sau khi thỏa 3 điều kiện trên, trader thực hiện vào lệnh như sau:
– Điểm vào lệnh: canh Buy khi giá thoái lui lần đầu tại đường Tenkan-Sen.
– Điểm cắt lỗ: dưới mức hỗ trợ gần nhất cách một vài pips (tùy theo spread từng sàn).
– Điểm chốt lời: tùy theo mục tiêu lợi nhuận của từng trader hoặc đặt theo tỷ lệ R:R là 1:2, 1:3,…
Điều kiện giao dịch với tín hiệu bán
Ichimoku kết hợp MACD cho tín hiệu bán tiềm năng khi thỏa mãn các điều kiện sau:
- Giá phải nằm dưới mây Kumo
- Đường MACD, Histogram nằm phía dưới đường Zero
- Giá retest lần đầu đập vào đường Tenkan-Sen hoặc Kijun Sen

Sau khi thỏa 3 điều kiện trên, trader có thể thiết lập vị thế như sau:
– Điểm vào lệnh: canh Sell khi giá thoái lui lần đầu tại đường Kijun-Sen.
– Điểm cắt lỗ: trên mức kháng cự gần nhất cách một vài pips (tùy theo spread từng sàn).
– Điểm chốt lời: tùy theo mục tiêu lợi nhuận của từng trader hoặc đặt theo tỷ lệ R:R là 1:2, 1:3,..
Lưu ý: Chiến lược sẽ mang lại xác suất thành công cao hơn khi giao dịch trong thị trường có xu hướng rõ ràng. Khi thị trường tích lũy, rất dễ cung cấp những tín hiệu giả, không đáng tin cậy.
Ichimoku kết hợp với MA
Đường trung bình động MA (Moving Average) là chỉ báo xu hướng dựa trên hành động giá trong lịch sử, với hai dạng là SMA và EMA. Trong đó, EMA sẽ được trader ưa thích sử dụng hơn đường SMA.
Cụ thể ở ví dụ dưới đây, chúng tôi sẽ sử dụng đường EMA 20 (màu đen) và EMA 50 (màu xanh dương) kết hợp cùng mây Kumo, trên khung thời gian H4. Các bước giao dịch được tiến hành như sau:
Bước 1: Tìm kiếm, xác nhận tín hiệu
Tín hiệu mua/bán được xác nhận khi thỏa mãn các tín hiệu sau:
- Trường hợp 1: hai đường EMA cắt nhau, giá cắt mây đâm lên hình thành xu hướng tăng (giá nằm trên mây) → cho tín hiệu mua (Buy).
- Trường hợp 2: hai đường EMA cắt nhau, giá cắt mây đâm xuống hình thành xu hướng giảm (giá nằm dưới mây) → cho tín hiệu bán (Sell).
Bước 2: Xác định điểm vào lệnh, cắt lỗ, chốt lời
- Trường hợp 1:

– Điểm vào lệnh: canh Buy tại mức giá đóng cửa của cây nến phá vỡ, nằm ngoài (trên) mây Kumo.
– Điểm cắt lỗ: dưới ngưỡng hỗ trợ gần nhất hoặc cách mức giá thấp nhất của cây nến phá vỡ một vài pips.
– Điểm chốt lời: tùy vào mục tiêu lợi nhuận của trader, hoặc theo tỷ lệ R:R là 1:2 hoặc 1:3,…
- Trường hợp 2:

– Điểm vào lệnh: canh Sell tại mức giá đóng cửa của cây nến phá vỡ, nằm ngoài (dưới) mây Kumo.
– Điểm cắt lỗ: trên ngưỡng kháng cự gần nhất hoặc cách mức giá cao nhất của cây nến phá vỡ một vài pips.
– Điểm chốt lời: tùy vào mục tiêu lợi nhuận của trader, hoặc theo tỷ lệ R:R là 1:2 hoặc 1:3,…
*Lưu ý: đối với trường hợp giá vẫn còn nằm trong mây hoặc sự giao nhau không rõ ràng thì nhà đầu tư không nên thực hiện bất kỳ giao dịch nào, thay vào đó hãy chờ đợi tín hiệu xác nhận để giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa lợi nhuận.
Lời kết
Ichimoku là chỉ báo kỹ thuật “tất cả trong một” cung cấp các tín hiệu giao dịch đáng tin cậy và mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên để tăng xác suất giao dịch thành công, trader nên kết hợp với các chỉ báo như RSI. MACD, MA,… cùng các công cụ phân tích kỹ thuật khác. Hy vọng với những kiến thức bài viết chia sẻ, giúp bạn có thêm ý tưởng giao dịch cho bản thân và biết cách sử dụng hiệu quả chỉ báo Ichimoku. Chúc các bạn thành công!